Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics tại công ty Real Logistics đến năm 2020.(phần 1)

1.     Lí do chọn đề tài
Được phát triển từ những năm 80 của thế kỉ trước, ngành Logistics đang đóng một vai trò quan trọng trong bất cứ một nền kinh tế nào. Logistics là hoạt động không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông, phân phối. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển cảng biển, kinh tế, cảng hàng không và các ngành kinh tế liên quan tới hoạt động thương mại quốc tế phát triển.
Đánh giá được tầm quan trọng của ngành Logistics trong phát triển kinh tế, Logistics đã được lấy làm mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển, lưu thông hàng hóa. Điều này đã tạo thuẩn lợi cho các công ty Logistics tại Việt Nam có cơ hội phát triển hơn nữa.
Trong thời gian thực tập tại công ty Real Logistics, có cơ hội được biết và trải nghiệm môi trường làm việc với đội ngũ nhân viên trình độ cao, được biết định hướng phát triển tới năm 2020 của công ty, tôi chọn đề tài: Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics tại công ty Real Logistics đến năm 2020.
2. Mục đích nghiên cứu:
Từ những nghiên cứu về ngành Logistics và cụ thể là tình hình kinh doanh dịch vụ Logistics tại công ty Real Logistics để phân tích, đưa ra thực trạng và giải pháp đề thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics tại công ty cho tới năm 2020.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu: Bài báo cáo tập trung nghiên cứu về hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics tại công ty Real Logistics, thực trạng kinh doanh dịch vụ này tại công ty.
Phạm vi nghiên cứu: Phân tích thực trạng về hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistics tại công ty Real Logistics về đội ngũ nhân lực, tình hình kinh doanh, quy trình thực hiện dịch vụ, phân tích những điểm hạn chế, tích cực của quy trình này.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Bài báo cáo sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích tổng hợp để nghiên cứu từng góc độ của công ty Real Logistics: tổng quan về công ty, lịch sử phát triển, quy trình làm dịch vụ, những điểm khó khăn, thuận lợi…
5. Bố cục của bài báo cáo:
Về mặt bố cục, ngoài phần mở đầu và kết luận, bài báo cáo được chia thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận về Logistics
Chương 2: Tổng quan về công ty Real Logistics
Chương 3: Thực trạng về quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển tại công ty Real Logistics
Chương 4: Một số giải pháp để hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh logistics tại công ty Real Logistics
 CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LOGISTICS
1.1                        . Khái niệm về logistics.
Logistics là một trong số ít những thuật ngữ khó dịch nhất, giống như từ “Marketing”, từ tiếng Anh sang tiếng Việt và thậm chí cả các ngôn ngữ khác. Vì bao hàm nghĩa của từ quá rộng nên không một đơn ngữ nào có thể truyền tải được hết ý nghĩa của nó.
Trên thế giới thuật ngữ này đã xuất hiện từ lâu. Logistics lần đầu tiên được phát minh và ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, được các quốc gia ứng dụng rất rộng rãi trong hai cuộc Đại chiến thế giới để di chuyển lực lượng quân đội cùng với vũ khí có khối lượng lớn và đảm bảo hậu cần cho lực lượng tham chiến. Napoleon đã từng nói: “Kẻ nghiệp dư bàn về chiến thuật, người chuyên nghiệp bàn về logistics” vì ông cho rằng “Logistics là một chuỗi hoạt động để duy trì lực lượng quân đội”.
Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, các chuyên gia logistics trong quân đội đã áp dụng các kỹ năng logistics của họ trong hoạt động tái thiết kinh tế thời hậu chiến và lần đầu tiên được triển khai, ứng dụng trong thương mại sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa nào đầy đủ về logistics hay hệ thống logistics. Tuỳ theo từng giai đoạn phát triển của nghiên cứu logistics và dưới những giác độ của những nhà nghiên cứu khác nhau, mà hiện nay có khá nhiều khái niệm về logistics.
- Theo từ điển “Oxford Advances Learners Dictionary of Current English, US Fifth Edition, Hornby, Oxford University Press, 1995”:
 “Logistics có nghĩa là việc tổ chức cung ứng và dịch vụ đối với một hoạt động phức hợp nào đó (Logistics – the organization of supplies and service for any complex operation)”.
- Theo cuốn “An Intergrated Approach to logistics Management” của Viện kỹ thuật công nghệ Florida - Mỹ:
“Logistics là việc quản lý sự vận động và lưu giữ của nguyên vật liệu vào trong doanh nghiệp của hàng hoá trong lúc sản xuất tại doanh nghiệp và hàng thành phẩm đi ra khỏi doanh nghiệp”.
- Theo Tài liệu của Liên hợp quốc sử dụng cho khoá đào tạo quốc tế về vận tải đa phương thức và quản lý logistics tại trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội tháng 10/2002:
“ Logisics là hoạt động quản lý quá trình lưu chuyển nguyên vật liệu qua các khâu lưu kho, sản xuất ra thành phẩm cho tới tay người tiêu dùng theo yêu cầu của khách hàng”.
- Theo Hội đồng Quản lý dịch vụ logistics quốc tế (CLM – The Council of Logistics Management):
“Logistics là một phần của quá trình cung cấp dây chuyền bao gồm lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm soát hiệu quả, lưu thông hiệu quả và lưu giữ các loại hàng hoá, dịch vụ và có liên quan đến thông tin từ điểm cung cấp cơ bản đến các điểm tiêu thụ để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng”.
- Theo quan điểm “5 đúng” (“5 rights”):
“Logistics là quá trình cung cấp đúng sản phẩm đến đúng vị trí vào đúng thời điểm với điều kiện và chi phí phù hợp cho khách hàng tiêu dùng sản phẩm”.
- Theo PGS.TS Đoàn Thị Hồng Vân trong cuốn “Quản trị Logistics”:
“Logistics là quá trình tối ưu hoá về vị trí và thời gian, vận chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên từ điểm đầu tiên của dây chuyền cung ứng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”.
- Theo PGS.TS Nguyễn Như Tiến trong cuốn “Logistics -  khả năng ứng dụng và phát triển trong kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận Việt Nam”:
“Logistics là nghệ thuật tổ chức sự vận động của hàng hóa, nguyên vật liệu từ khi mua sắm, qua các quá trình lưu kho, sản xuất, phân phối cho đến khi đưa đến tay người tiêu dùng”.
Như vậy, dù có sự khác nhau về từ ngữ diễn đạt và cách trình bày, nhưng trong nội dung tất cả các tác giả đều cho rằng Logistics chính là hoạt động quản lý dòng lưu chuyển của nguyên vật liệu từ khâu mua sắm qua quá trình lưu kho, sản xuất ra sản phẩm và phân phối tới tay người tiêu dùng. Mục đích giảm tối đa chi phí phát sinh hoặc sẽ phát sinh với một thời gian ngắn nhất trong quá trình vận động của nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như phân phối hàng hoá một cách kịp thời (Just-in-Time). Tuy nhiên ở đây không chỉ có sự vận động của “nguyên vật liệu, hàng hoá” mà cần phải bao gồm thêm cả dòng luân chuyển “dịch vụ, thông tin”. Logistics không chỉ hạn chế trong sản xuất mà nó còn liên quan đến mọi tổ chức bao gồm chính phủ, bệnh viện, ngân hàng, người bán lẻ, người bán buôn…
Ngày nay thuật ngữ logistics đã được phát triển, mở rộng và được hiểu với nghĩa là quản lý “management”. Trong khi nghiên cứu lĩnh vực này, tuỳ thuộc giác độ tiếp cận, các học giả có thể sử dụng các thuật ngữ như: logistics kinh doanh, logistics in bound – logistics out bound, phân phối vật chất, quản lý nguyên vật liệu, kỹ thuật phân phối hay quản lý logistics…thì đây đều là các thuật ngữ dùng để diễn tả cùng một chủ đề, đó chính là cái mà chúng ta gọi là logistics.

Logistics diễn tả toàn bộ quá trình vận động của nguyên vật liệu và sản phẩm đi vào – qua và đi ra khỏi doanh nghiệp tới khâu phân phối tới tay người tiêu dùng. Nó là một quy trình nhằm tối ưu hoá các hoạt động để đảm bảo việc giao hàng từ nơi gửi đến nơi nhận thông qua một dây chuyền vận tải.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét