Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Sự phát triển của công nghiệp Việt Nam và phân tích thị trường đầu tư

MỤC LỤC

Contents
MỤC LỤC.. 1
MỞ ĐẦU.. 2
NỘI DUNG.. 3
I. Tình hình ngành công nghiệp Việt Nam.. 3
1.1. Tình hình ngành công nghiệp Việt Nam.. 3
1.2. Các chủng loại ngành công nghiệp Việt Nam.. 6
II. Phân tích hiện trạng ngành công nghiệp Việt Nam.. 10
2.1. Ưu thế ngành công nghiệp Việt Nam.. 10
2.2.Lĩnh vực công nghiệp đang đợi khai phá, điều chỉnh đầu tư. 10
III. Chính sách đầu tư của Việt Nam.. 13
3.1. Loại hình công nghiệp được nhà nước bảo hộ. 13
3.2. Lĩnh vực được khuyến khích. 13
IV.  Thương mại quốc tế. 15
4.1. So sánh Công nghiệp Việt, Trung. 15
4.2. Lời khuyên cho đầu tư nước ngoài 18
KẾT LUẬN.. 20
Hơn 20 năm đổi mới và phát triển, nền kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những đổi thay sâu sắc. Từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với cơ cấu ngành tính theo GDP năm 1985: nông, lâm nghiệp thủy sản 40,2%, công nghiệp, xây dựng 27,4%... Việt Nam đã hội nhập, đổi mới và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành nghề, các thành phần kinh tế đa dạng hơn. Cơ cấu ngành theo GDP năm 2011: nông, lâm nghiệp, thủy sản 24,02%, công nghiệp, xây dựng 40,29%...Nhìn chung cơ cấu các ngành đã chuyển dịch theo hướng phát triển nhiều ngành nghề đảm bảo tăng tưởng, phát huy lợi thế so sánh, gắn với nhu cầu thị trường. Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 thì nước ta phải có những chính sách phát triển công nghiệp hợp lý, phù hợp với thị trường hiện nay. Vì vậy, việc tìm hiểu về “Sự phát triển của công nghiệp Việt Nam và phân tích thị trường đầu tư” cũng như tìm hiểu về các giải pháp chính sách công nghiệp hiên nay là điều chúng ta cần quan tâm, nghiên cứu.


NỘI DUNG

I. Tình hình ngành công nghiệp Việt Nam

1.1. Tình hình ngành công nghiệp Việt Nam

Nhìn lại thời ký đổi mới, hội nhập có thể thấy song song với việc tăng trưởng và ổn định, nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ. Xu hướng chuyển dịch là tăng nhanh về công nghiệp, dịch vụ, nền kinh tế ngày càng được hiện đại hóa. Nếu năm 1985, tính theo GDP cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản là  40,2% công nghiệp, xây dựng là 27,4% thì đến năm 2011 tỷ lệ cơ cấu tương ứng là 22,02% và 40,79%. Sản xuất công nghiệp trước Cách mạng còn rất sơ khai. Cả nước chỉ có 200 xí nghiệp, với 90 nghìn công nhân, chủ yếu phục vụ sự vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt của thực dân. Số sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay với sản lượng còn rất ít ỏi. Đến nay quy mô công nghiệp đã mở rộng hơn nhiều, các sản phẩm công nghiệp cũng đa dạng hơn về mẫu mã và chủng loại.  Theo thống kê, cả nước có gần nửa triệu doanh nghiệp, trên 4,2 triệu cơ sở cá thể, với gần 1,5 triệu lao động… Có thể thấy, sản xuất công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để đưa nước ta đi tới nền kinh tế phát triển.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 12 năm 2012 ước tính tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2012 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% sao với năm 2011, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Sản xuất công nghiệp năm nay gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục; sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm nên mức tăng thấp so với một số năm trở lại đây. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đang bắt đầu có chuyển biến tích cực, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần, chỉ số tồn kho giảm dần.
Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so với năm 2011 là: Đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 136,7%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 48,3%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 39,6%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 23,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 18%; sản xuất đường tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,9%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 12,3%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 10,1%; khai thác khí đốt tự nhiên tăng 9,9%; khai thác dầu thô tăng 9,8%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 9,7%; sản xuất bia tăng 9,7%. Một số ngành có mức tăng khá như: Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 9,4%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,8%; sản xuất sợi tăng 8,1%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 7,9%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 7,9%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 5,2%.
Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm so với năm 2011 là: May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 2,3%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 2,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 0,3%; sản xuất vải dệt thoi giảm 0,8%; sản xuất giày, dép giảm 0,9%; sản xuất dây cáp, dây điện giảm 2,1%; sản xuất sơn, vec ni giảm 3,6%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 3,9%; sản xuất xi măng giảm 6%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,1%; khai thác và thu gom than cứng giảm 9,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 10%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 14,6%; khai thác đá, cát, sỏi giảm 19,3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,9%; Đồng Nai tăng 7,2%; Bình Dương tăng 7,5%; Hà Nội tăng 5%; Hải Phòng tăng 3,9%; Bắc Ninh tăng 19,1%; Đà Nẵng tăng 6%; Cần Thơ tăng 4,6%; Hải Dương giảm 1%; Vĩnh Phúc giảm 3%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất đường tăng 112,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 34,2%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 29,2%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 23,1%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 21,7%; sản xuất cấu kiện kim loại tăng 10,7%; may trang phục tăng 7,8%; sản xuất mì ống, mì sợi tăng 6,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ mười một tháng tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,5%; sản xuất sợi tăng 3,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,9%; sản xuất sắt, thép giảm 1,9%; sản xuất giày, dép giảm 2,2%; sản xuất bia giảm 6,6%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 9,2%; sản xuất sản phẩm từ plastic giảm 11,3%; sản xuất vải dệt thoi giảm 16,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 16,7%; sản xuất xi măng giảm 17,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 18%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa giảm 18,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 20,6%; sản xuất dây, cáp điện giảm 38,3%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất bia tăng 44,5%; sản xuất thuốc lá tăng 42,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,8%; sản xuất xi măng tăng 30,6%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 28,6%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 24,7%; sản xuất pin, ắc quy tăng 17,1%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 9,2%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 7,1%; sản xuất giày, dép tăng 6,6%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 3,6%; sản xuất sợi tăng 1,4%; sản xuất vải dệt thoi tăng 1%; sản xuất các cấu kiện kim loại giảm 5,4%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 7,5%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 9,7%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 20,2%; sản xuất đường giảm 24%.
Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 01/12/2012 so với giá trị sản xuất ước tính cả năm 2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,9%, trong đó một số ngành có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho cao như: Chế biến và bảo quản thuỷ sản 12,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 10,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ 9,5%; sản xuất xe có động cơ 9,1%.
Lao động khu vực doanh nghiệp công nghiệp tháng 12 tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó biến động lao động ngành công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Đồng Nai tăng 0,6%; Bình Dương tăng 0,4%; Hà Nội giảm 0,2%; Hải Phòng giảm 0,2%; Bắc Ninh giảm 4,7%; Vĩnh Phúc tăng 0,9%; Cần Thơ tăng 0,7%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đà Nẵng ở mức tháng 11/2012.
Có thể nói rằng, dù kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau khủng hoảng, song nền công nghiệp nước ta vẫn tương đối ổn định, đây là một dấu hiệu đáng mừng.


1.2. Các chủng loại ngành công nghiệp Việt Nam

Công nghiệp là ngành kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất, một bộ phận cấu thành nền sản xuất vật chất của xã hội. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp được chia là công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng
1.2.1.     Công nghiệp nhẹ
Công nghiệp nhẹ là ngành công nghiệp ít tập trung tư bản hơn công nghiệp nặng, và thiên về cung cấp hàng hóa tiêu dùng hơn là phục vụ các doanh nghiệp (có nghĩa là sản phẩm được sản xuất cho người tiêu dùng cuối cùng hơn là sản xuất để làm đầu vào cho một quá trình sản xuất khác). Các cơ sở công nghiệp nhẹ thường ít gây tác động môi trường hơn công nghiệp nặng và vì thế chúng có thể được bố trí gần khu dân cư. Ngành công nghiệp nhẹ lại rất cần nhiều người lao động làm việc trong một không gian rông lớn
Các loại hình công nghiệp nhẹ:
·        Công nghiệp giấy
Là một nước với ¾ diện tích là rừng, ngành công nghiệp giấy nước ta tập trung nhiều, rộng khắp cả đất nước như Thái Nguyên, Phú Thọ. Công nghiệp giấy góp phần tích cực vào nền kinh tế trong và ngoài nước và là nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như giấy in, giấy tiền, giấy báo…
Sản lượng giấy và bột giấy được sản xuất ở nước ta tăng qua các năm
·        Công nghiệp dệt may
Đây là ngành có truyền thống lâu đời ở Việt Nam và là ngành kinh tế quan trọng của nước ta vì nó phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội và có thế mạnh trong xuất khẩu. Trong suốt những năm qua, ngành dệt may nước ta đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng đều qua các năm. Năm 1995 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may là 850USD, con số này đã tăng đến 3660USD vào năm 2013. Thi trường xuất khẩu chủ yếu của hàng dệt may nước ta là Nhật, Hoa kỳ, EU…
·        Công nghiệp da giầy
Kể từ khi Ủy ban Châu Âu ra thông báo về việc chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành da giầy đã thuận lợi hơn so với trước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Các doanh nghiệp hiện tại có nhiều đơn hàng và tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác. Tính chung 8 tháng đầu năm 2011 kim ngạch của ngành ước đạt 4,18 tỷ USD, bằng 74,7% kế hoạch cả năm và tăng 29,2% so với cùng kỳ.
·        Công nghiệp thuốc lá
Sau khi gia nhập WTO, hội nhập Kinh tế quốc tế, tiềm năng xuất khẩu của thuốc lá Việt Nam ra thị trường nước ngoài là rất lớn. Quy mô về thị trường xuất khẩu cũng ngày càng được mở rộng, từ các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á… đến các thị trường khác xa xôi như Trung Đông, Tây Phi, Trung Nam Mỹ… với nguồn khách hàng được trải rộng nhiều nước trên toàn thế giới. Sản lượng toàn ngành năm 2011 đạt trên 105 tỷ điếu, tăng gần 15% so với năm 2007 (91,5 tỷ điếu); tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thuốc lá điếu trung bình hàng năm (giai đoạn 2007-20011) đạt trên 13%.Đặc biệt, ngành thuốc lá đã xây dựng được những sản phẩm có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa
·        Công nghiệp bia, rượu, nước giải khát
Trong những năm qua, ngành bia rượu, nước giải khát của nước ta tương đối phát triển và mở rộng về quy mô cà thị trường. Song, nhu cầu tiêu dùng hiện nay vẫn chỉ tập trung vào những sản phẩm đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường như bia Hà Nội, bia Sài Gòn…
1.2.2.     Công nghiệp nặng
Công nghiệp nặng là lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều tư bản, đối ngược với công nghiệp nhẹ là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Công nghiệp nặng không dễ dàng tái phân bố như công nghiệp nhẹ vì nhiều tác động đến môi trường và chi phí đầu tư nhiều hơn.
·        Công nghiệp thép
Công nghiệp gang thép Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Vai trò của các doanh nghiệp tư nhân dần mở rộng, những dự án đầu tư vốn nước ngoài với quy mô lớn hơn đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp này. Tuy nhiên do định hướng chính sách phát triển thời gian qua thiếu bài bản đã dẫn đến thừa thép xây dựng, trong khi các lĩnh vực thép phục vụ cho chế tạo, đóng tàu, ô tô, xe máy... lại yếu và thiếu trầm trọng. Ngay cả những lĩnh vực cơ khí cần thép như đóng tàu, ô tô, xe máy… cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển cho nên nếu có làm thép cho các lĩnh vực này cũng chưa thể phát huy tác dụng.
Vì vậy giai đoạn phát triển mới này đòi hỏi những tiếp cận mới như tăng cường cạnh tranh, sắp xếp lại cơ chế thu mua kim loại phế liệu song song với bảo vệ môi trường, quản lý quá trình tự do hóa thương mại, đánh giá các dự án vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp.
·        Công nghiệp khai thác than
Than là nguồn năng lượng đầu vào của tất cả các ngành công nghiệp, là sản phẩm xuất khẩu cũng như làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày. Tổng trữ lượng than năm 2011 của nước ta khoảng hơn 7 tỷ tấn. Sản lượng khai thác năm 2007 khoảng 49,141 triệu tấn/năm chiếm 0,69% sản lượng thế giới, đứng thứa 6 châu Á và thứ 17 thế giới. Than nước ta chủ yếu tập trung ở Quảng Ninh, các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long... Tuy nhiên, hiện nay ngành than đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ khai thác lộ thiên, xuất khẩu ngày càng giảm. Số thợ lò tuyển vào hằng năm không đủ bù cho số lượng lao động đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc xin thôi việc để tìm công việc khác nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó việc khai thác than dẫn đến các vấn đề ô nhiễm không khí, sông hồ, tiếng ồn, mạch nước ngầm...gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân các vùng lân cận.
·        Công nghiệp xi măng
Trong ngành vật liệu xây dựng thì xi măng chiếm một vị trí quan trọng. Nước ta có những nhà máy xi măng lớn như: Hải phòng, Hoàng thạch, Bỉm Sơn, Hà tiên, Kiên giang và một số nhà máy liên doanh đang đưa vào hoạt động. Toàn bộ công suất của các nhà máy này đủ khả năng cung ứng cho thị trường trong nước và đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn/ năm.
·        Sản xuất phân bón
            Đây là ngành công nghiệp phục vụ chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải cạnh tranh với phân bón ngoại nhập giá rẻ. Để ổn định và phát triển, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm chi phí hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tìm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khu vực ASEAN như: Lào, Campuchia...
Nhìn chung, trong thời gian qua các ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%... Một số ngành công nghiệp từng là thế mạnh của Việt Nam đang có mức tăng thấp hoặc giảm so với năm 2011 là may mặc tăng 2,3%, sản xuất gang thép tăng 2,2%, sản xuất giày dép giảm 0,9%, sản xuất xi măng giảm 6%, sản xuất mô tô xe máy giảm 14,6%. Trong thời gian tới, đòi hỏi chính sách cong nghiệp phải có những thay đổi phù hợp với thực tế và tiềm năng đất nước hơn.


II. Phân tích hiện trạng ngành công nghiệp Việt Nam

2.1. Ưu thế ngành công nghiệp Việt Nam

Là một nước có nền chính trị tương đối ổn định, tài nguyên thiên nhiên phong phú, lao động dồi dào Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như phát triển các ngành công nghiệp.
Tài nghuyên thiên nhiên phong phú là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước
Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Quảng Trị khá phong phú và đa dạng, đặc biệt là khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng và làm vật liệu xây dựng. Đây là điều kiện để tỉnh có thể phát triển mạnh công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng.
Bờ biển nước ta kéo dài từ bắc vào nam, cộng thếm ¾ diện tích là rừng, hệ thống sông ngòi dày đặc là điều kiện thuận lợi phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến nông lâm thủy hải sản.
Các tài nguyên về than, khoáng sản, nguồn lao động dồi dào cũng là cơ sở để các ngành công nghiệp nước ta phát triển.

2.2.Lĩnh vực công nghiệp đang đợi khai phá, điều chỉnh đầu tư

Là nhóm ngành hiện tại năng lực cạnh tranh còn thấp nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai. Đây là nhóm ngành ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguồn lao động có trình độ, phát triển theo hướng hội nhập, sản xuất sản phẩm thay thế nhập khẩu và khai thác, mở rộng thị trường nước ngoài. Nhóm ngành này bao gồm lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, phần mềm; hoá dược, hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa; cơ khí chế tạo; nhóm sản phẩm từ công nghệ mới.  Định hướng phát triển của nhóm ngành này trong giai đoạn tới là tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, chủ động tiếp cận, từng bước thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển trước một bước công nghiệp phụ trợ và tăng cường công tác đào tạo lao động có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhóm ngành này trong tương lai
Mục tiêu phát triển của nhóm ngành này là phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu các sản phẩm phần; tập trung phát triển lĩnh vực chế tạo linh kiện điện tử, điện tử công nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin; hình thành một số trung tâm đúc, rèn, nhiệt luyện, tạo phôi có công nghệ tiên tiến, phấn đấu đáp ứng 50% nhu cầu chế tạo thiết bi trong nước; xây dựng ngành công nghiệp hoá dược đáp ứng 40-45% nhu cầu thuốc kháng sinh, 30-35% nhu cầu nguyên liệu sản xuất vitamin C, 20% nhu cầu về tá dược, 100% nhu cầu về hoạt chất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên (cây có dầu).
Một trong những lĩnh vực này là ngành vực công nghiệp môi trường là ngành công nghiệp cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường Hiện nay, hoạt động môi trường của Việt Nam đang dần trở nên chuyên môn hoá sâu, mang tính công nghiệp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ. Mặc dù, ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam chưa chính thức hình thành nhưng đã và đang có những đóng góp tích cực không chỉ cho bảo vệ môi trường mà còn hứa hẹn như một ngành kinh tế với nhiều tiềm năng phát triển. Đến nay, hệ thống các công ty môi trường đô thị đã phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước. Hơn nữa, các lĩnh vực hoạt động môi trường hiện nay không ngừng được mở rộng không chỉ môi trường đô thị, mà còn phát triển rất nhanh sang khu vực doanh nghiệp, khu công nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, tái chế và quản lý tài nguyên, sản xuất thiết bị, công nghệ. Vì vậy, ngoài các công ty môi trường đô thị còn có các doanh nghiệp tư nhân cả trong nước và nước ngoài với các hình thức liên doanh, liên kết. Có thể nói, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đã có những bước đi ban đầu nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp này vẫn có nhiều trở ngại như: chưa hình thành cơ quan đầu mối phát triển công nghiệp môi trường, thị trường cho công nghệ và dịch vụ môi trường chưa phát triển; đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm; uy tín của các nhà cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ trong nước chưa đủ thuyết phục; cơ chế, chính sách khuyến khích còn chưa rõ ràng và chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp môi trường; nhận thức của người dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh…
Theo kết quả điều tra khảo sát đánh giá về nhu cầu và năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường tại 20 tỉnh, thành trên cả nước của Bộ Công Thương, kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy thị trường cho ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn. Lượng chất thải rắn phát thải hiện nay khoảng 30 triệu tấn và mức tăng trưởng hàng năm khoảng 7%. Ước tính nhu cầu thị trường cho lĩnh vực xử lý chất thải rắn hàng năm khoảng 2,340 tỷ đồng và dự báo đến năm 2010 đạt khoảng 3,900 tỷ. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tiềm năng tái chế chất thải rắn công nghiệp cũng là rất cao, ở nhiều ngành tỷ lệ chất thải có khả năng tái chế đạt hơn 80%. Mỗi năm sẽ tiết kiệm được 54 tỷ đồng nếu mỗi cơ sở sản xuất của 6 ngành công nghiệp tái chế 50% lượng chất thải của cơ sở mình. Những tiềm năng khác về các lĩnh vực khác như phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật, tư vấn chuyển giao công nghệ; sản xuất thiết bị, vật tư, nguyên liệu và sản phẩm thân thiện môi trường cũng là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay năng lực các đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường ở Việt Nam còn hạn chế, kinh nghiệm, tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp còn thấp. Chưa có các chính sách ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ thuế, lãi suất. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có, chưa có sự bảo lãnh của các cơ quan tài chính ngân hàng. Để phát triển ngành công nghiệp này, Việt Nam cần sớm xây dựng một hệ thống các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người dân đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực xử lý môi trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, trong nước và quốc tế trong việc tham gia các dự án đấu thầu cung cấp công nghệ và thiết bị xử lý môi trường. Nhà nước cần đảm bảo cơ chế thu phí môi trường và thanh toán lại cho nhà đầu tư, điều này sẽ góp phần thu hút đáng kể lượng vốn đầu tư tư nhân (mà không cần phải dựa vào nguồn vốn vay ODA) vào lĩnh vực công nghệ và thiết bị xử lý môi trường.


III. Chính sách đầu tư của Việt Nam

3.1. Loại hình công nghiệp được nhà nước bảo hộ

3.2. Lĩnh vực được khuyến khích

Với xu thế hội nhập quốc tế, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay thì việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp là điều cần thiết. Một số ngành công nghiệp được quan tâm, khuyến khích phát triển:
Công nghiệp hóa dầu - hóa chất: Dầu mỏ là một trong những nhiên liệu quan trọng nhất của xã hội hiện đại dùng để sản xuất điện và cũng là nhiên liệu của tất cả các phương tiện giao thông vận tải. Hơn nữa, dầu cũng được sử dụng trong công nghiệp hóa dầu để sản xuất các chất dẻo và nhiều sản phẩm khác. Vì thế dầu thường được ví như là "vàng đen".
Công nghiệp nặng và quy mô lớn (thép tấm cán nóng, cán nguội, chế tạo thiết bị tàu thuỷ, cơ khí chế tạo khác) gắn với cảng biển nước sâu để nhập nguyên liệu, xuất hàng hoá cũng phục vụ cho ngành hàng hải của nước ta
Ngoài ra các ngành công  nghiệp như sản xuất - lắp ráp ô tô; sản xuất động cơ, linh kiện, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; vật liệu mới, các ngành công nghiệp phụ trợ và vệ tinh cho công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, đóng tàu, cơ khí, luyện kim...cũng là các ngành công nghiệp được khuyến khích hiện nay.
Với lợi thế bờ biển dài, nguồn tài nguyên biển phong phú, lĩnh vực đầu tư kinh doanh cảng biển và dịch vụ hàng hải cũng đã và đang được khuyến khích.



IV.  Thương mại quốc tế

4.1. So sánh Công nghiệp Việt, Trung

Có một điều khác biệt quan trọng giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam mà ít ai để ý là hướng phát triển đối nghịch nhau ở hai nước: ở Trung Quốc, xí nghiệp tập thể ở nông thôn phát triển đáng kể và đã đóng góp tích cực vào việc tạo thêm việc làm, trong khi kinh tế quốc doanh giảm dần vai trò của mình; ngược lại ở Việt Nam, thành phần kinh tế tập thể gần như hoàn toàn tan rã, kinh tế quốc doanh ngày càng phát triển. Kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng của hai nước có sự khác biệt nhau.
Trung Quốc là nước có số dân đông nhất thế giới cùng với đường lối chính sách mở cửa, nguồi tài nguyên dồi dào phong phú , nhiều nguồn lao động . Nhờ đó Trung Quốc có đủ điều kiện phát triển ngành công nghiệp nặng. Quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc tiến nhanh trên quy mô lớn. Nhiều ngành trong công nghiệp chế biến, chế tác phát triển trên dưới 20% mỗi năm như đồ điện gia dụng, xe hơi, máy tính cá nhân và nhiều loại máy móc khác. Trong nhiều mặt hàng thuộc các ngành này, Trung Quốc chiếm tới trên dưới 40% sản lượng thế giới. Vì vậy mà Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới.
Sự phát triển của Trung Quốc ngày càng dựa vào xuất khẩu. Xuất khẩu ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong qúa trình công nghiệp hóa của nước nầy. Tỉ trọng của xuất khẩu trong GDP chỉ có 7 % vào năm 1980 nhưng đã tăng lên 33% năm 2008. Xuất khẩu của Trung Quốc hiện nay cũng hầu hết là hàng công nghiệp. Vào những năm mới mở cửa, tỉ trọng của hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chưa tới 50% nhưng từ năm 2001 con số đó đã lên trên 90%. Như vậy trong quá trình phát triển, Trung Quốc ngày càng hướng ngoại và chiếm lĩnh thị trường thế giới bằng hàng công nghiệp.
Tuy nhiên các tỉnh Trung Quốc cạnh tranh đầu tư vào sản xuất hàng công nghiệp, gây nên hiện tượng đầu tư trùng lặp và sản xuất thừa làm kém hiệu suất của toàn nền kịnh tế. Nhưng đối với Việt nam và các nước có nền kinh tế còn nhỏ ở Đông Nam Á, hiện tượng sản xuất thừa của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính làm tràn ngập hàng công nghiệp giá rẻ vào thị trường các nước nầy.
Mặt khác cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc ngày càng chuyển dịch lên cao. Khuynh hướng này phản ảnh rõ trong cơ cấu xuất khẩu. Trung Quốc tập trung xuất khẩu những mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp có kỹ năng cao như máy tính, máy móc về viễn thông, về y tế, dược phẩm, v.v.. . Nếu kể cả nhóm hàng dùng nhiều kỹ năng vừa phải như xe hơi, xe máy, đồ điện gia dụng, kim khí, v.v.. thì tỉ trọng của 2 nhóm hàng này chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Một điểm đáng chú ý là các mặt hàng có hàm lượng kỹ năng thấp như may mặc, giày dép, dụng cụ lữ hành, v.v.. vẫn còn chiếm một tỉ trọng lớn. Điều nầy cho thấy các loại hàng công nghiệp, từ trình độ thấp đến trình độ cao Trung Quốc đều hiện diện trên thị trường thế giới với số lượng lớn.
Trong khi đó Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nông sản, nguyên liệu, và trong các sản phẩm công nghiệp thì Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc trong những mặt hàng dùng công nghệ thấp và dùng nhiều lao động kỹ năng thấp. Tỉ trọng các mặt hàng đòi hỏi lao động có kỹ năng cao năm 2008 chỉ bằng Trung Quốc vào năm 1990.
Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam tuy hàng công nghiệp chiếm khoảng 60% nhưng chủ yếu là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn. Thêm vào đó, sản xuất các mặt hàng này phải phụ thuộc vào nguyên liệu và sản phẩm trung gian nhập khẩu. Các loại máy móc, những sản phẩm có hàm lượng kỹ năng lao động cao, chỉ chiếm độ 10% tổng xuất khẩu.



Danh mục
Trung Quốc
Việt Nam
1997
2002
2008
1997
2002
2008
Nông phẩm và nguyên liệu
7.4
5.1
2.6
32.9
26.1
21.2
Khoáng sản
3.1
2.1
1.8
17.6
19.8
18
Bán thành phẩm
15.4
13.6
14.8
5.4
6.5
9.2
Sản phẩm CN có hàm lượng kỹ năng lao động thấp
43.3
36.5
30.5
35.1
37.3
36.4
Sản phẩm CN có hàm lượng kỹ năng lao động trung bình
13.7
12.7
19.4
3.2
4.8
7.1
Sản phẩm CN có hàm lượng kỹ năng lao động cao
17.2
28.2
30.9
5.9
5.5
8

Từ bảng trên cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp trên quy mô lớn và triển khai hầu như toàn diện trong các lãnh vực, từ sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp đến các sản phẩm có hàm lượng kỹ năng cao, công nghệ cao; đồng thời Trung Quốc triển khai phân công hàng ngang, phân công nội ngành với các nước khác trong các mặt hàng chế tạo các loại máy móc, là những lãnh vực chủ đạo trong mậu dịch quốc tế hiện nay
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thì nguyên liệu và nông sản phẩm chiếm vị trí áp đảo. Các sản phẩm công nghiệp khác vẫn còn ít. Trong các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc thì mặt hàng công nghiệp chiếm vị trí áp đảo.
Các loại hàng này có thể chia ra thành 3 nhóm: thứ nhất là nguyên vật liệu hoặc sản phẩm trung gian như thép để chế biến thành phẩm tiêu dùng, hai là các loại máy móc (và bộ phận, linh kiện) như xe hơi, khí cụ dùng cho bưu chính viễn thông, và nhóm thứ ba là các loại sản phẩm trung gian ngành dệt may như tơ sợi tổng hợp, vải bông, vải may nội y,… Điều này cho thấy nền công nghiệp Việt Nam quá mỏng manh, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm trung gian nhập từ Trung Quốc. Nếu xét đến quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam lẽ ra phải có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực vải sợi (trừ loại sợi cao cấp chủng loại đặc biệt như tơ sợi tổng hợp).
Tuy nhiên trên thực tế, các sản phẩm như vải dệt may hay dệt kim hầu hết Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc.Trong vài ngành nằm trong dây chuyền cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia (các loại máy dùng cho văn phòng như máy tính xách tay, máy in, …) Việt Nam có xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng kim ngạch còn rất nhỏ.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nền kinh tế phát triển với tốc độ cao hoặc tương đối cao, lại ở cạnh nhau nên hội đủ cấc yếu tố thuận lợi trong mô hình về lực dẫn. Đặc biệt đối với Việt Nam, Trung Quốc là nền kinh tế lớn và phát triển nhanh. Thế nhưng Việt Nam không tận dụng được thế mạnh này, chỉ xuất khẩu nguyên liệu và hàng sơ chế trong khi các nước khác đẩy mạnh được xuất khẩu hàng công nghiệp sang nước này

4.2. Lời khuyên cho đầu tư nước ngoài

Xu hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng mạnh những năm gần đây. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/12/2012 có 712 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD. Dự kiến năm 2013, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD; vốn thực hiện 900 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, theo các chuyeeng ia, khi đầu tư ra nước ngoài cần xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, nên chọn những thị trường có vị trí đắc đại, hành lang pháp lỹ thông thoáng, hệ thống tài chính minh bạch, chuyên nghiệp. Những thị trường như vậy là môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư và cá nhân lẫn tổ chức
Một số nguyên tắc quan trọng nhất giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài là tìm hiểu kỹ thông tin của đối tác, không chỉ từ các nguồn chính thống mà còn cần “nghe ngóng” từ nhiều nguồn khác.
“Cẩn tắc vô ưu” - doanh nghiệp không nên giao hàng nếu chưa nhận được thanh toán hoặc hợp tác với ngân hàng để có sự bảo đảm về tín dụng khi đối tác không thanh toán đúng hợp đồng. Việc thuê tư vấn, luật sư để được hỗ trợ thủ tục pháp lý đúng quy định của nước sở tại là rất cần thiết.
Tùy vào nhu cầu và điều kiện của mình mà nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức đầu tư cá nhân hay tổ chức, thông qua công ty, hùn vốn với đối tác, ủy thác hoặc thông qua bên thứ 3 (ngân hàng, quỹ đầu tư, các đơn vị quản lý tài sản…)
Nếu các nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu bảo vệ tài sản thì có thể lựa chọn đầu tư vào tiền tệ, vàng hay bất động sản. Các loại tài sản thực như bất động sản, đất đai, nông trại; kim loại quý: vàng, bạc, palladium, bạch kim… với đặc tính chống lạm phát là lựa chọn phổ biến mà nhiều nhà đầu tư ưa thích.
Yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò then chốt trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Những hiểu lầm về văn hóa sẽ ngăn cản giao dịch, cản trở quá trình hợp tác hoặc thậm chí, dẫn đến tranh chấp pháp lý. Để vượt qua những rào cản này, điều cốt yếu mà các nhà đầu tư nên làm là sử dụng thông thạo ngôn ngữ địa phương.

Công nghiệp góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc gia. Qua đó ta thấy được tầm quan trọng của ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp có liên quan đến hầu hết các ngành khác của nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần phải tập trung khai thác thế mạnh của công nghiệp để không chỉ phát triển công nghiệp àm còn phát triển các ngành khác liên quan. Bên cạnh đó cần tìm ra những hạn chế, khó khăn của ngành công nghiệp nước nhà để  có biện pháp và hướng đi đúng đắn cho ngành. Để làm được điều đó cần vạch ra mục tiêu, kế hoạch lâu dài cho ngành, để bên cạnh việc phát huy điểm mạnh chúng ta sẽ khắc phục được điểm yếu. Từ đó tạo lên sắc thái bộ dạng mới cho công nghiệp nước nhà.
Tóm lại ngành công nghiệp sẽ ngày càng phát triển nếu ta biết tận dụng những cơ hội, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của đất nước cũng như có chính sách, định hướng phát triển đúng đắn.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét